Tầm quan trọng của "nhịp điệu" trong thiết kế nội thất

Tuesday,
22/12/2020
0

Bạn đã đầu tư không ít tiền bạc và công sức để lựa chọn nội thất nhưng không gian của bạn dường như vẫn thiếu điều gì đó khiến những món đồ này không thể ăn nhập với nhau? Rất có thể bạn đã bỏ quên mất yếu tố nhịp điệu cho dự án thiết kế nội thất của mình đấy!

Nhắc đến nhịp điệu người ta thường nghĩ ngay đến âm nhạc. Nhịp điệu là sợi dây liên kết các khổ nhạc và điệp khúc trong một bài hát lại với nhau. Tuy nhiên, nhịp điệu còn là nguyên tắc được sử dụng trong thiết kế nội thất, có thể hiểu là cách bố trí những đồ nội thất một cách liên kết với nhau để tạo thành hiệu ứng đối với thị giác. Đó là cách sắp đặt không gian rất tinh tế giúp gắn kết những yếu tố độc lập, riêng lẻ lại với nhau một cách hài hoà.

Nhiều người tin rằng nhịp điệu chính là chìa khoá cho một dự án thiết kế nội thất thành công. Đó là thứ mang đến cho nội thất sự hoàn thiện, chỉn chu và thu hút.

Những chia sẻ dưới đây sẽ giúp bạn tìm hiểu nhịp điệu là gì, tại sao nó lại quan trọng và cách bạn có thể áp dụng nguyên tắc này trong ngôi nhà của mình. Hãy thử tạo nhịp điệu cho nội thất và chắc chắn rằng bạn sẽ ngạc nhiên về mức độ ảnh hưởng của nguyên tắc này.

1. Nhịp điệu trong thiết kế nội thất là gì?

Nhịp điệu là 1 trong 7 nguyên tắc của thiết kế nội thất. Nguyên tắc này được sử dụng để giúp mắt chúng ta di chuyển xung quanh không gian một cách có tổ chức, giúp kích thích não bộ về cảm giác thoải mái và thoả mãn. Ngoài ra, nhịp điệu còn đóng vai trò lớn trong cách chúng ta cảm nhận không gian cả về chức năng và thẩm mỹ.

Có 5 cách chính mà bạn có thể ứng dụng nguyên tắc nhịp điệu trong không gian của mình:

– Lặp lại: Là sự lặp lại một mô hình liên tục trong khắp không gian, giúp tạo được cảm giác ổn định, cân bằng.

– Chuyển đổi sắc độ: Tạo sự thay đổi dần dần (thường về màu sắc) để di chuyển thị giác từ vị trí này sang vị trí kia của không gian.

– Chuyển tiếp: Cho phép một yếu tố thiết kế (thường là đồ vật) di chuyển thị giác theo một đường liên tục từ điểm này sang điểm khác.

– Tương phản: Tạo ra một yếu tố thiết kế đối lập với yếu tố thiết kế khác, khiến mắt phải chú ý qua lại giữa cả 2 yếu tố.

– Chính – phụ: Bố trí các đồ nội thất trong không gian một cách cân bằng và lặp lại xung quanh một vật thể trung tâm. 

Tất nhiên, không cần phải sử dụng tất cả 5 cách ứng dụng nhịp điệu này trong cùng một không gian. Trong những cách trên, có cách có thể giúp thống nhất không gian một cách trực quan, có cách lại tạo ra sự thay đổi đột phá về thị giác để không gây cảm giác nhàm chán.

2. Cách ứng dụng nhịp điệu vào thiết kế nội thất

Hiểu được khái niệm nhịp điệu là một chuyện, nhưng biết cách ứng dụng nguyên tắc này vào thiết kế nội thất một cách thích hợp lại là chuyện khác. Việc ứng dụng nhịp điệu cho không gian không hề có quy tắc cố định, tuy nhiên bạn có thể tham khảo những ví dụ dưới đây: 

– Lặp lại: Như hình dưới đây, bạn có thể bố trí những đồ nội thất giống nhau ở vị trí đối xứng, đồng thời có thể sử dụng các đặc điểm kiến trúc liên tục (phân cột dọc) để làm nổi bật bố cục của không gian.

– Chuyển đổi mật độ, sắc độ: Những ngôi sao trên bầu trời là một ví dụ tuyệt vời về sự chuyển đổi sắc độ. Sự bố trí từ dày đặc đến thưa dần của chúng cho phép mắt chúng ta di chuyển liên tục từ cao xuống thấp. Ngoài ra, xu hướng chọn màu ombre với sự sắp đặt màu sắc chuyển từ nhạt đến đậm cũng là 1 ví dụ của nhịp điệu.

– Chuyển tiếp: Khu vực tiếp khách có đồ nội thất uốn cong thể hiện sự chuyển tiếp, cũng như các lối đi được khoanh vùng giúp mọi người điều hướng từ đầu này sang đầu kia của căn phòng.

– Tương phản: Hai sắc thái màu sắc nằm đối diện nhau trên bánh xe màu là một ví dụ điển hình về độ tương phản. Ngoài ra, bạn có thể thử kết hợp các vật liệu đối lập trong thiết kế của mình, ví dụ như gỗ và kim loại.

– Chính – phụ: Bạn có thể nhìn thấy nhịp điệu chính – phụ trong bàn ăn hình tròn hoặc các khu vực tiếp khách, nơi đồ nội thất (ghế) được nhóm xung quanh một đối tượng trung tâm (bàn).

Tạo nhịp điệu cho không gian là việc phải dùng đến cảm nhận thay vì dựa vào các phép đo chính xác. Khi bố trí nội thất, hãy thử kết hợp loại nhịp điệu mà bạn thấy phù hợp. Sau đó, lùi lại một bước. Nếu bạn cảm thấy không gian gắn kết và mắt mình dễ dàng di chuyển xung quanh thì hãy để nguyên thiết kế của bạn. Mặt khác, nếu cảm thấy không ổn, hãy tiếp tục điều chỉnh thêm cho đến khi bạn cảm thấy hài lòng.

3. Lợi ích tâm lý của nhịp điệu trong thiết kế nội thất

Chúng ta dành nhiều thời gian để chia nhỏ dự án thiết kế nội thất của mình thành các thành phần riêng biệt như: đồ nội thất, hàng dệt may, tranh treo tường, v.v… nhưng cuối cùng, dự án chỉ thành công khi mỗi phần đó kết hợp với nhau để tạo thành một thể thống nhất.

Có cơ sở tâm lý giải thích về việc tại sao chúng ta cảm thấy dễ chịu trong một không gian có đồ nội thất được liên kết hài hoà. Theo trường phái tâm lý học Gestalt, bộ não của chúng ta xử lý thông tin bằng cách biến đổi thông tin thành hình mẫu dễ nhận biết nhất. Ví dụ như hình ảnh dưới đây, chúng ta sẽ nhanh chóng liên tưởng bức tranh trên tường rất giống một phòng ăn trước khi có thể tập trung vào bất kỳ yếu tố riêng lẻ nào của nó.

Bên cạnh đó, nghiên cứu tâm lý cũng chỉ ra rằng, khi não bộ xử lý hình ảnh trước mắt càng nhanh, càng đơn giản thì chúng ta sẽ càng dễ thấy hình ảnh này đẹp về mặt thẩm mỹ. Khi ứng dụng nguyên tắc nhịp điệu vào thiết kế nội thất, não bộ chúng ta sẽ dễ dàng tiếp thu hình ảnh về căn phòng hơn, từ đó chúng ta cũng sẽ thấy căn phòng đẹp mắt, thu hút hơn.

Nhịp điệu là nguyên tắc có tác động rất lớn đến thành quả của dự án thiết kế nội thất. Hy vọng những chia sẻ từ bài viết sẽ giúp bạn có thể khai thác hiệu quả sức mạnh của nhịp điệu để mang đến cho không gian của bạn thẩm mỹ hoàn thiện.

Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: